Tại sao cây xăng hết xăng? Tại sao nhiều cây xăng đóng cửa? Cùng theo dõi bài phân tích tổng hợp dưới đây nhé.
Tại sao cây xăng đóng cửa

Nguồn cung khan hiếm

Lý do đầu tiên khiến một số cây xăng đóng cửa chính là khan hiếm nguồn cung. Tình hình chính trị biến động khiến giá năng lượng tăng cao là tình hình chung dẫn đến khan hiếm nguồn cung xăng dầu, giá dầu thô thế giới tính đến ngày 10/11/2022 là 96,19 USD / thùng, các tổng đại lý tiến hành nhập xăng bằng đô la và phân phối lại cho các cây xăng tư nhân với mức chiết khấu phù hợp. Một số tổng đại lý không có đủ nguồn lực tài chính để nhập hàng do chi phí kinh doanh tăng cao.

Trong nửa năm trở lại đây, giá xăng dầu liên tục biến động và giảm liên tục trong những tháng trở lại đây ở thị trường trong nước, các tổng đại lý xăng dầu đã hạn chế nhập khẩu xăng dầu hơn, chỉ nhập vừa đủ do chênh lệch giữa giá bán trong nước và giá thế giới khiến mặt hàng này liên tục khan hiếm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vừa rút giấy phép với 7 trong số 38 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, các doanh nghiệp này bị cấm xuất nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài trong một vài tháng nên họ đã giữ nguồn xăng dầu lại cho các cây xăng trong hệ thống của mình và chỉ phân phối nhỏ giọt cho các doanh nghiệp ngoài hệ thống khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bên ngoài không có nguồn cung.

Trong số các cây xăng đóng cửa thì hầu hết thuộc vùng phía Nam là bởi vì khu vực phía Bắc có lợi thế nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất nằm trong khu vực, đáp ứng đến 80% như cầu, trong khi đó khu vực phía Nam khó khăn hơn do không thể chủ động cung ứng, quãng đường vận chuyển xa.

Chiết khấu xăng dầu giảm

Lý do tiếp theo khiến các cây xăng đóng cửa là do mức chiết khấu xăng dầu từ nhà cung cấp giảm xuống 0 VND. Như ta thấy, các cây xăng đóng cửa hầu hết là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tư nhân, đứng cuối chuỗi kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận của họ phần lớn dựa vào mức chiết khấu xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào giá bán niêm yết của nhà nước, mặc dù có sự ảnh hưởng một phần giữa chênh lệch giá nhập và giá bán (hưởng lợi từ nhập giá thấp và bán giá cao).

Các doanh nghiệp đầu mối thường đưa chiết khấu khoảng 1000 VND / lít xăng mỗi khi giá xăng dầu chuẩn bị giảm và giảm chiết khấu xuống còn 200VND - 300VND / lít xăng mỗi khi giá xăng dầu có chiều hướng tăng. Các mức chiết khấu này sẽ bù lỗ qua lại ở từng thời kỳ giá xăng dầu giúp doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động.

Những tháng gần đây, các tổng đại lý đặt mức chiết khấu ở mức 0 VND để ngăn đại lý bán lẻ nhập nhiều hàng, đại lý bán lẻ phải gồng lỗ, tự chi trả chi phí vận chuyển từ tổng đại lý, tiền điện, tiền nhân viên,...trong suốt nhiều tháng gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Nói một cách dễ hiểu, khi một cây xăng có 4 nhân viên làm việc với mức lương 5 triệu/người và mức chiết khấu xăng dầu là 1000 VND / lít (chưa tính tới giá nhập và chênh lệch giá bán), có nghĩa là cây xăng đó phải bán ra 5.000 lít để đủ trả lương cho 1 nhân viên và 20.000 lít để trả cho 4 nhân viên, phần lợi nhuận còn lại sẽ thuộc vào mức chênh lệch giá bán. Trong trường hợp mức chiết khấu xăng dầu là 0 VND như hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải phụ thuộc hoàn toàn vào chênh lệch giá nhập so với giá bán niêm yết và tự bỏ tiền túi để trả lương cho nhân viên, trong khi đó giá xăng dầu trong nước liên tục giảm đẩy doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vào tình thế khó khăn.

Ngành xăng dầu thuộc một trong các ngành liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, các cây xăng không được phép tự ý đóng cửa khi chưa có sự cho phép, Bộ Công Thương có thể rút giấy phép hoạt động đối với các đại lý bán lẻ có tình trạng găm hàng (đóng cửa không bán khi giá giảm và bán trở lại khi giá niêm yết tăng), với lo ngại đó các đại lý bán lẻ xăng dầu buộc phải tiếp tục hoạt động cầm chừng mặc dù phải gồng lỗ nhiều tháng, khiến tài chính cạn kiệt dẫn đến đóng cửa.

Có hành vi găm hàng

Một lý do nữa khiến các cây xăng đóng cửa đó là tồn tại tình trạng găm hàng để thu lợi bất chính. Có một số đại lý bán lẻ xăng dầu tự ý đóng cửa do giá bán về quá thấp và găm hàng chờ giá cao để bán ra, những đại lý này sẽ phải đối mặt với án phạt vô cùng nghiêm trọng là phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 6 tháng đến 15 năm.

Trên đây là ba lý do tại sao cây xăng đóng cửa, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đang thực hiện nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho các cây xăng hoạt động trở lại, hy vọng các giải pháp sẽ hữu hiệu trong thời gian tới.


DMCA.com Protection Status